Lắp mạng FPT
Thành công của FPT hôm nay không chỉ gói gọn ở doanh thu hơn tỷ USD hay 15.000 người hiện diện tại 14 quốc gia mà đó còn là một chặng đường gian khó, bền bỉ nỗ lực với những cú vặn mình thay đổi, vươn lên
Năm 1988, 13 nhà khoa học với trái tim khát khao đổi mới đã tập hợp lại, thành lập công ty với mong muốn có thể đổi đời chính mình và góp phần hưng thịnh quốc gia.
Sử ký đã ghi chép rất rõ những tháng ngày đầy gian khó của FPT. Do công ty mới thành lập, không vốn liếng, tài sản cố định nên có những lúc TGĐ Trương Gia Bình đã phải bán vàng của mình để trả lương cho anh em.
Hồi ấy, FPT làm đủ nghề để tồn tại như lập dây chuyền sấy thuốc lá ở Thanh Hóa, sản xuất sữa bột dinh dưỡng HV cùng Công ty Sữa Việt Nam, đi buôn xe tải bãi rác của quân đội Liên Xô, xuất khẩu máy tính sang Liên Xô khi Mỹ còn cấm vận…

Vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, FPT bắt đầu dịch chuyển sang ngành nghề mà số đông người FPT cảm thấy phù hợp nhất là CNTT. Năm 1992, FPT đổi tên, ba chữ cái đầu của tên gọi tiếng Anh cũ được giữ nguyên nhưng với các từ khác: The Corporation for Financing and Promoting Technology – Phát triển và Đầu tư Công nghệ.
Lãnh đạo FPT một mặt ráo riết tham chiến trên lĩnh vực tin học, mặt khác ý tưởng cải tổ kinh doanh bắt đầu nhen nhóm. Cuối năm 1994, tại hội trường Viện Tư liệu phim (Hà Nội), FPT đã thành lập 6 trung tâm. Đến năm 1996 và 1997, thành lập thêm hai trung tâm nữa. Đây là tiền thân của FPT IS, FPT Software, FPT Trading, FPT Telecom… sau này.
Năm 2002, FPT cổ phần hoá, trở thành Công ty CP Phát triển Đầu tư Công nghệ FPT. Bốn năm sau, ngày 13/12/2006, FPT chính thức niêm yết tại Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP HCM (nay là Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM – HOSE), mở ra một trang mới trong lịch sử.
Bên cạnh các hướng truyền thống, Đại hội đồng cổ đông FPT 2007 thông qua phương án mở rộng hướng kinh doanh mới, nhằm xây dựng FPT thành tập đoàn Kinh tế – Công nghệ hàng đầu. FPT rầm rộ đổ bộ vào thị trường bất động sản, tài chính – ngân hàng, với việc mở hàng hàng loạt công ty trong năm 2007.
Năm 2008-2009, kinh tế thế giới bắt đầu khủng hoảng. Trong sự chao đảo của thị trường, FPT nhận thấy sức mạnh cốt lõi của tập đoàn vẫn là CNTT – Viễn thông. Tháng 5/2009, HĐQT FPT ra nghị quyết, tái định hướng hoạt động tập trung vào lĩnh vực chính này.
Để tăng thêm sức mạnh, tháng 4/2011, HĐQT FPT thông qua phương án hợp nhất ba công ty thành viên trong lĩnh vực cốt lõi là FPT Sofware, FPT IS và FPT Trading, để tăng cường hợp lực, tận dụng hết nguồn tài nguyên cho sự phát triển.
Tích hợp hệ thống: Vững vàng vị thế
Lúc mới thành lập, Trung tâm Hệ thống Thông tin (FPT IS) có vỏn vẹn 15 người do anh Đỗ Cao Bảo làm Giám đốc, chú trọng vào các mảng đề án lớn, đấu thầu. Trong một thời gian ngắn, FPT IS đã trở thành trung tâm lớn nhất FPT cả về quân số lẫn doanh số thời kỳ đó.
Trung tâm Tích hợp hệ thống thực hiện những dự án quan trọng có độ kỹ thuật cao. Sau khi hoàn thành sứ mệnh với hợp đồng C27, đưa công nghệ tra cứu vân tay vào Việt Nam để truy tìm tội phạm, FSI chia thành hai, một nhập về với FPT IS, một trở lại với FSS (FPT Software Solution).
Trong suốt nhiều năm, FPT IS tham gia xây dựng phần lớn hệ thống thông tin quốc gia với khách hàng Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Kho bạc, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam… FPT IS trở thành công ty tích hợp hệ thống hàng đầu Việt Nam và được mệnh danh là “quả đấm thép” của FPT.
Năm 2007, việc hợp nhất ba đơn vị là FSS, Trung tâm ERP và FPT IS thành Công ty Hệ thống thông tin FPT (FPT IS) đã mang lại sức bật mới. Giữa năm 2008, FPT IS chính thức trở thành Tổng công ty với 7 công ty trực thuộc.
Cuối năm 2008, FPT IS ký kết dự án cung cấp Hệ thống Ứng dụng Quản lý Thuế TNCN (PIT) cho Tổng cục Thuế, trị giá 15,5 triệu USD. Dự án được ví như “trận Điện Biên Phủ trong ngành CNTT Việt Nam”, đưa FPT IS từ vị trí “oshin” lên làm tổng thầu. Năm 2010, FPT IS xây dựng hệ thống ERP lớn nhất Việt Nam từ trước đến nay, trị giá hơn 12 triệu USD cho Petrolimex và làm thay đổi quan niệm chỉ có đối tác nước ngoài mới đủ năng lực làm tổng thầu dự án lớn trong lĩnh vực ERP.

Trong gần 20 năm thành lập, các giải pháp của FPT IS đã được ứng dụng trong hầu hết lĩnh vực xương sống ở Việt Nam, tác động đến hàng chục triệu người như: Thuế thu nhập cá nhân, bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe…
Không dừng ở thị trường nội địa, “quả đấm thép” tiếp tục vươn rộng ra quốc tế. Giải pháp do FPT IS xây dựng đã đánh bật một số tên tuổi lớn khi cạnh tranh ở nước ngoài. Hiện nay, hầu hết nhà cung cấp dịch vụ viễn thông lớn nhất tại Lào, Campuchia sử dụng giải pháp của FPT IS.
Viễn thông: Sức mạnh người dẫn đầu
Dù Internet chưa đến Việt Nam nhưng một mạng cộng đồng có tên gọi là Trí tuệ Việt Nam (TTVN – thuộc FOX) do anh Trương Đình Anh làm thủ lĩnh vào năm 1996-1997 đã thu hút 10.000 người tham gia. Thành công của mạng TTVN khiến anh Đình Anh quyết tâm xin FPT đầu tư thiết bị cung cấp dịch vụ Internet.
Tháng 11/1997, FOX trở thành một trong bốn nhà cung cấp dịch vụ kết nối Internet tại Việt Nam. Hơn 10 năm sau, FOX trở thành FPT Telecom và đã khẳng định sức mạnh của người dẫn đầu với đầy đủ giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông.
Chắc thắng và thần tốc, chỉ trong vòng 3 năm, FPT Telecom đã xây dựng được một hạ tầng phủ gần kín Hà Nội và TP HCM so với lịch sử gần 60 năm của VNPT. Sau 5 năm (2008-2013) FPT Telecom đã có mặt ở 51 tỉnh, thành trên cả nước.
Ban lãnh đạo FPT Telecom xác định, xây dựng đường trục Bắc – Nam là nhiệm vụ sống còn khi công ty mở rộng thị trường tỉnh. Năm 2008, Ban Viễn thông đã được thành lập với nhiệm vụ phát triển hạ tầng cáp quang toàn quốc. Tuyến đường trục xuyên suốt từ Lạng Sơn đến Cà Mau dài 1.800 km hoàn thành vào cuối năm 2012 đã giúp FPT Telecom chủ động trong những cuộc chơi lớn.
Chiến dịch mở rộng vùng phủ tiếp tục được FPT Telecom đẩy mạnh ở ngoài biên giới Việt Nam. Opennet – công ty thành viên của FPT Telecom tại Campuchia, dù mới được thành lập nhưng đã có kết quả rất khả quan, khi vươn lên đứng thứ hai tại thị trường Chùa Tháp. Hiện, FPT Telecom đang tìm kiếm cơ hội tại Myanmar.
Không chỉ nằm trong Top 3 doanh nghiệp viễn thông hàng đầu Việt Nam, FPT Telecom còn là ISP có nhiều dịch vụ nội dung nhất hiện nay với Fshare, FPT Play HD, OneTV…
Mới đây, công ty được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép dịch vụ truyền hình trả tiền. FPT Telecom chính thức bước vào lĩnh vực giàu tiềm năng có doanh thu 1 tỷ USD mỗi năm.
Từ khi thành lập đến nay, FPT Telecom luôn đạt tốc độ tăng trưởng trên 70% hằng năm và hiện duy trì ở mức trên 30% mỗi năm, là một trong những đơn vị mang lại nhiều lợi nhuận nhất cho tập đoàn.
Nội dung số: Đón đầu xu thế
Vào một ngày tháng 3/2000, hai bộ óc lớn cùng trái tim giàu nhiệt huyết là Thang Đức Thắng và Trương Đình Anh đã gặp nhau ở ý tưởng xây dựng “một portal của Việt Nam”.
Sau một năm thai nghén, tờ báo trực tuyến đầu tiên của Việt Nam – VnExpress.net – đã ra mắt vào ngày 26/2/2001. VnExpress nhanh chóng chiếm được sự tin yêu của độc giả do phong cách đưa tin nhanh chóng, khách quan, mang tính xây dựng về mọi mặt của đời sống, chính trị, xã hội.

Tháng 6/2007, VnExpress lọt vào Top 100 trang web có nhiều người đọc nhất thế giới của Alexa, ghi dấu mốc quan trọng trong sự phát triển nội dung trực tuyến tại Việt Nam.
VnExpress luôn giữ vị trí tờ báo điện tử tiếng Việt có lượng độc giả truy cập lớn nhất toàn cầu trong hơn một thập kỷ phát triển. Theo Google Analytics, trung bình mỗi ngày, hệ thống báo có hơn 30 triệu lượt truy cập.
Sự trưởng thành của VnExpress cho thấy công nghệ số sẽ là một xu hướng mới của thời đại. Không đi ngược xu thế, ngày 1/7/2007, Công ty Cổ Phần Dịch vụ Trực tuyến FPT (FPT Online), chuyên về quảng cáo trực tuyến, game online, thương mại điện tử, nhạc trực tuyến, mạng xã hội… được thành lập. Ba năm sau, ngày 1/7/2010, FPT Communication, FPT Visky và FPT Online hợp nhất, sau đó bổ sung Tạp chí Thế giới Vi tính vào “đại gia đình” nội dung số.
FPT Online đã từng bước khẳng định vị thế ở lĩnh vực nội dung số, khi dẫn đầu về quảng cáo trực tuyến, đứng thứ ba về mảng game online… ở Việt Nam.
Thủ lĩnh Xuất khẩu phần mềm
Năm 1998, FPT hạ quyết tâm “Toàn cầu hoá FPT bằng xuất khẩu phần mềm, đưa FPT trở thành một công ty toàn cầu” tại Hội nghị Diên Hồng, Đồ Sơn. Anh Nguyễn Thành Nam đã tập hợp đội ngũ trẻ với tham vọng trở thành những người khai phá cho ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam. Nhưng trong suốt 10 năm (1988-1998), FPT gần như đi vào ngõ cụt khi rất mơ hồ về việc tổ chức một công ty phần mềm.
Tháng 1/1999, FSU1 (tiền thân của Công ty Phần mềm FPT – FPT Software) được thành lập với mục tiêu xuất khẩu phần mềm sang châu Âu, Bắc Mỹ và Nhật Bản. Làn sóng toàn cầu hoá được dâng cao với tấm phướn lớn treo kín một mặt tòa nhà 5 tầng 89 Láng Hạ (Hà Nội) với dòng chữ “Xuất khẩu phần mềm hay là chết?”.
Trận đánh đầu tiên với mật danh Nà Ngần – Phay Khắt với Windsoft thành công khiến tinh thần toàn cầu hoá được dâng cao trong FPT. Những lần “mất mùa” và thất bại đắng cay sau đó cũng không thể quật ngã niềm tin, khát vọng của các “chiến sĩ” FPT Software.
10 năm tiếp theo (1998-2008), doanh số xuất khẩu phần mềm của FPT Software đã tăng 90 lần, đội ngũ lập trình viên tăng 120 lần. FPT Software từ 17 lập trình viên ban đầu đã có tới hơn 2.000 lập trình viên, trở thành công ty phần mềm có đội ngũ nhân lực đông nhất Đông Nam Á.
Năm 2006, với việc tham gia trận đánh lớn lịch sử Dự án Petronas, FPT Software đã làm thay đổi vị thế của FPT ở sân chơi quốc tế khi lần đầu tiên làm thầu chính. 450 lập trình viên hoàn thiện việc chuyển đổi 1.532 ứng dụng trong gần hai năm, mang về cho FPT Software hơn 6,5 triệu USD – hợp đồng phần mềm lớn nhất ở thời điểm đó.
Con đường toàn cầu hóa của FPT Software ngày nay càng được định hình rõ nét, với ba chân kiềng chính là thị trường Nhật Bản, Mỹ và châu Âu. Tại Nhật Bản, phần mềm Việt Nam đã vượt Ấn Độ, vươn lên đứng thứ hai, sau Trung Quốc. Ở xứ sở cờ hoa, FPT Software cũng có tốc độ tăng trưởng ấn tượng, trên 50% mỗi năm.
Năm 2012, FPT Software lần đầu lọt vào Top 100 nhà cung cấp dịch vụ hàng đầu, cùng với những tên tuổi lớn như: Infosys, Unisys, ChinaSoft, CSC, Neusoft… Việc có tên trên bản đồ CNTT thế giới sẽ mở rộng cơ hội kinh doanh và quy mô phát triển của FPT Software.
Hiện tại, công ty có hơn 4.000 người và sẽ tăng số lượng nhân sự lên 10.000 người vào năm 2015. FPT Software cũng đang hoàn thiện cơ sở vật chất ở Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội và Khu công nghệ Quang Trung, TP HCM, để đáp ứng nhu cầu phát triển.
‘Đại gia’ phân phối – bán lẻ tại Việt Nam
Trong các hướng kinh doanh truyền thống của FPT không thể không nhắc đến phân phối CNTT và Viễn thông, mảng luôn đem về doanh số lớn cho tập đoàn.
Lúc đầu, Trung tâm Phân phối thiết bị tin học FPT Distribution kiêm luôn cả việc nhập hàng lẫn bán buôn. Năm 1995, FPT Distribution trở thành đại lý phân phối của Compact và IBM. Năm 2003, trung tâm trở thành Công ty Phân phối FPT (FPT Distribution) với hai mảng chính: Phân phối tin học và ĐTDĐ Nokia.
Từ khi thành lập, FPT Distribution luôn dẫn đầu toàn tập đoàn về doanh số, lần lượt xác lập các đích 100 triệu USD, 200 triệu USD, 300 triệu USD, 500 triệu USD và trở thành “đại gia” trong ngành phân phối Việt Nam.
“Làng” phân phối còn ghi nhận sự nỗ lực của Trung tâm kinh doanh ĐTDĐ FPT. Đơn vị thành lập năm 1996 này tưởng chừng phải giải tán vào những thời điểm khó khăn, nhưng đã vươn lên thành Công ty Công nghệ Di động FPT (FPT Mobile).
Năm 2009, với mục tiêu tổng hợp sức mạnh và duy trì tăng trưởng, Công ty Thương mại FPT – FPT Trading Group – được thành lập trên cơ sở hợp nhất ba đơn vị là FPT Distribution, FPT Mobile và FPT Retail.
Trên con đường trở thành nhà phân phối sản phẩm CNTT và Viễn thông số một Việt Nam, FPT Trading đã gặp không ít khó khăn. Cuối năm 2009, FPT không còn là nhà phân phối điện thoại di động Samsung, do hãng thay đổi chính sách khi trực tiếp sản xuất ĐTDĐ tại Việt Nam.
Mảng phân phối điện thoại Nokia của FPT cũng bị ảnh hưởng khi hãng điện thoại đến từ Phần Lan quyết định chia lại thị trường vào tháng 8/2012. “Cái khó ló cái khôn”, FPT Trading đã tìm ra hướng kinh doanh mới, giữ vững vị trí số một về thị phần notebook, chiếm 41% thị phần ĐTDĐ và mảng phân phối Nokia vẫn tăng trưởng tốt.
Bên cạnh lĩnh vực phân phối truyền thống, FPT Trading đã tạo ra bước đột phá trong việc sản xuất các sản phẩm mang thương hiệu FPT như FPT Elead và FPT mobile. Sản phẩm “made by FPT” bước đầu đạt được thành công nhất định.
Công ty TNHH Bán lẻ FPT (FPT Retail) được thành lập vào tháng 8/2007 và khai trương 4 trung tâm mang thương hiệu [IN] tại Hà Nội và TP HCM. Sinh sau đẻ muộn và gặp phải sự cạnh tranh gay gắt, FPT Retail rất khó khăn để giành miếng bánh thị phần.
Sau 3 năm hợp nhất với FPT Trading, đến năm 2012, FPT Retail tách ra hoạt động độc lập thành công ty cổ phần. Chỉ trong 8 tháng, FPT Retail mở đồng loạt 32 shop, gấp gần hai lần giai đoạn 2007-2011 (18 shop). 6 tháng đầu năm 2013, công ty mở thêm 20 shop, nâng số cửa hàng trên toàn quốc lên trên 70 shop tại 33 tỉnh, thành.
FPT Retail đã khẳng định được uy tín trong thị trường bán lẻ khi chính thức trở thành một trong ba công ty ở Việt Nam được xây dựng hệ thống bán lẻ cao cấp nhất của Apple. Công ty đang giữ vị trí số một về bán lẻ Apple, Top 3 về laptop và Top 5 về ĐTDĐ.
Giấc mơ đổi mới giáo dục thành công
Tháng 9/2006, ĐH FPT – trường đại học đầu tiên của một doanh nghiệp – được thành lập tại Việt Nam. Slogan “Khát vọng đổi thay” cùng với mô hình giáo dục tiên tiến của ĐH FPT đã tạo tiếng vang lớn. Do đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp và học đi đôi với hành, “sản phẩm” của ĐH FPT nhanh chóng được thị trường tuyển dụng đón nhận bởi sinh viên đáp ứng được về ngoại ngữ và có kỹ năng mềm cần thiết.
Thành công với mô hình giáo dục đại học, FPT tiếp tục mở rộng hệ đào tạo Cao đẳng – FPT Polytechnic vào năm 2010. Tiêu chí hàng đầu của trường là “Thực học – Thực nghiệp”, giúp sinh viên nhanh chóng thuần thục các kỹ năng thực tế đòi hỏi của công việc.
Sự khác biệt trong giáo dục của ĐH FPT còn được thể hiện trong hệ đào tạo THPT. Trường THPT FPT được thành lập vào tháng 4/2013, tạo môi trường cho học sinh phát triển toàn diện, với mục tiêu trở thành một công dân toàn cầu.
Những nỗ lực trong việc cải cách giáo dục của ĐH FPT đã được ghi nhận, khi trở thành trường đại học đầu tiên ở Việt Nam được công nhận xếp hạng quốc tế 3 sao theo chuẩn QS Stars – một trong ba chuẩn xếp hạng đại học uy tín nhất thế giới.
ĐH FPT đang trở thành điểm thu hút sinh viên quốc tế và là điểm đến của nhiều chuyên gia thế giới. Trường cũng thúc đẩy mục tiêu mở campus tại nước ngoài, trước mắt là ở Lào.
Hiện tại, ĐH FPT dần hoàn thiện campus của trường tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc và TP HCM. Cơ sở chính tại Hòa Lạc được đưa vào sử dụng vào tháng 5/2012. Campus của ĐH FPT tại Hòa Lạc có tổng diện tích 30 ha với tổng vốn đầu tư lên tới 2.696 tỷ đồng.
Tính đến cuối năm 2012, tổng số sinh viên các hệ đào tạo của ĐH FPT đã vượt qua con số 15.000.
Sau 25 năm, FPT trở thành Tập đoàn số một về CNTT – Viễn thông của Việt Nam, được Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) xếp thứ 14 trong danh sách Top 200 doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam và đứng thứ 12 trong Top 200 doanh nghiệp trong nước (năm 2007). Từ năm 2010 đến nay, FPT luôn nằm ở Top 3 trong 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam (VNR500). |
Lâm Thao